Thứ Hai, 2 tháng 6, 2014

Căng thẳng Biển Đông đẩy chiến tranh Mỹ - Trung đến gần hơn?

Hành động ngang ngược và đơn phương tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với các quốc gia láng giềng quanh Biển Đông bao gồm Philippines – đồng minh thân thiết của Washington, có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh Trung – Mỹ.
Nhận định trên được ông Abraham M. Denmark, Phó Chủ tịch Các vấn đề Chính trị và An ninh tại Văn phòng Quốc gia Nghiên cứu châu Á và từng là người đừng đầu Ủy ban Các vấn đề về Trung Quốc tại Bộ Quốc phòng Mỹ, đưa ra trong bài viết "Could Tensions in the South China Sea Spark a War?" (Liệu căng thẳng trên Biển Đông có thể biến thành chiến tranh?) đăng trên tạp chí The National Interest của Mỹ. 
Theo ông Denmark, việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố "chủ quyền" thông qua "đường chín đoạn" đầy tham vọng trên Biển Đông cùng hành động hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trên vùng biển thuộc Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chỉ cách đảo Lý Sơn 119 hải lý gần quần đảo Hoàng Sa, đã khiến tình hình căng thẳng không ngừng leo thang và nguy cơ nổ ra các cuộc giao tranh trong khu vực. 
Hành động hung hăng tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông của Trung Quốc có thể dẫn tới một cuộc xung đột tiềm năng. 
Chỉ sau vài ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama kết thúc chuyến công du tới 4 nước châu Á, ngay đầu tháng Năm, Trung Quốc đã ngang nhiên lai dắt và hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển thuộc Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Với âm mưu bá chủ Biển Đông, Trung Quốc đã tiến hành một loạt tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với các quốc gia láng giềng bao gồm Việt Nam và Philippines. Sự hung hăng và hiếu chiến của Trung Quốc đã đẩy nguy cơ nổ ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và xung đột tiềm năng trên Biển Đông giữa Trung – Mỹ trở thành hiện thực khi Bắc Kinh cố tình chọc giận Philippines – một đồng minh thân thiết của Washington. 
Thậm chí, Bắc Kinh còn điều động một lực lượng hùng hậu gồm hơn 100 tàu các loại và chiến đấu cơ tới hỗ trợ hoạt động trái phép cho giàn khoan dầu cũng như nhiều lần tấn công tàu chấp pháp của Việt Nam. Nghiêm trọng hơn, Trung Quốc còn đánh chìm một tàu cá của Việt Nam khi đang hoạt động gần vị trí giàn khoan Hải Dương-981. 
Sự cố tương tự cũng đã xảy ra giữa Trung Quốc và Philippines trong những tháng gần đây. Năm 2012, Bắc Kinh đã trái phép giành quyền kiểm soát bãi cạn bãi Scarborough – khu vực mà cả Trung Quốc và Philippines cùng tuyên bố chủ quyền. Không dừng lại, Trung Quốc còn tiếp tục muốn xâm chiếm cả bãi Cỏ Mây.  
Hồi tháng Tư, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, Daniel Russel cho rằng sự trơ tráo và đầy tham vọng của Bắc Kinh khi tuyên bố yêu sách "đường chín đoạn" bao trùm gần hết diện tích Biển Đông đã "bất chấp luật pháp quốc tế" mà ở đây chính là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS 1982). 

Kinh tế phát triển, gia tăng tranh chấp

Dưới thời cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc đã tạm gác chuyện tranh chấp chủ quyền để tập trung phát triển kinh tế. Tuy nhiên, khi nền kinh tế ngày càng trở nên thịnh vượng và hùng mạnh, những toan tính riêng và quan điểm về chủ quyền của Trung Quốc đã có những thay đổi lớn. Biển Đông trở thành nơi mà Trung Quốc nhắm tới để thỏa mãn cơn khát năng lượng và thực phẩm. 
Tàu cá là một trong những chiến thuật tranh chấp biển đảo được Trung Quốc áp dụng trên Biển Đông. 
Ngoài ra, khi tầm ảnh hưởng quân sự, kinh tế và chính trị ngày càng tăng, Bắc Kinh cũng giành ưu thế vượt trội hơn so với các quốc gia khác trong những cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Trong đó, một số nước còn e dè không dám công khai phản đối Trung Quốc do lo sợ làm sứt mẻ mối quan hệ kinh tế mật thiết cũng như lo ngại trước sức mạnh quân sự và tầm ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh.  
Thậm chí, một học giả Trung Quốc còn ngang nhiên cho rằng: "Đây là lãnh thổ của Trung Quốc, chúng tôi có quyền sử dụng mọi biện pháp kể cả vũ lực để giành lại một cách hợp pháp". 
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chưa muốn phát động một cuộc chiến tranh. Chiến thuật hiện nay được Trung Quốc áp dụng là điều động các tàu cá và tàu bảo vệ bờ biển phun vòi rồng vào tàu chấp pháp của các nước láng giềng. Hành động này nhằm kìm hãm một cuộc xung đột tiềm năng có thể xảy ra ngay lập tức. Ngoài ra, Trung Quốc còn cố gắng che dấu các hành động hung hãn, khiêu khích của mình dưới chiêu thức phòng ngự và đổ lỗi cho các bên tranh chấp. 
Nhận định trên được thể hiện rõ qua phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi nhấn mạnh: "Việt Nam cần ngay lập tức ngừng mọi hành động gây nguy hiểm". Phát ngôn hoàn toàn sai sự thật này được Bắc Kinh đưa ra chỉ sau một ngày các tàu Trung Quốc bao vây tấn công và đánh chìm một tàu cá của Việt Nam. 
Thậm chí, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn lớn tiếng cho rằng không một quốc gia nào được phép nghi ngờ sự quyết tâm của Trung Quốc cũng như nỗ lực bảo vệ hòa bình và ổn định trên Biển Đông. Thông điệp của Trung Quốc đã hoàn toàn rõ ràng rằng: các bên tranh chấp nên công nhận toàn bộ những tuyên bố chủ quyền được Bắc Kinh đưa ra, và mọi sự đối đầu phản kháng đều thuộc trách nhiệm của các bên tham gia tranh chấp với Trung Quốc.
Theo tác giả Denmark, việc Nga can thiệp quân sự vào Ukraine và sáp nhập Cộng hòa tự trị Crimea dường như chứng minh cho giới lãnh đạo tại khu vực Đông nam Á thấy rằng sự phụ thuộc kinh tế và năng lực quân sự yếu kém là một trở ngại trong lĩnh vực địa chính trị và trong thế kỷ 21, sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia sẽ bị xâm phạm. 
Một số nước trong khu vực lo ngại rằng Nga đang trở thành hình mẫu cho Trung Quốc trong việc dùng vũ lực để giành quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ tranh chấp. Do đó, các nước trong khu vực Đông nam Á đang tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế để giảm sự phụ thuộc vào Bắc Kinh cũng như tăng cường sức mạnh quân sự để kiềm chế sự lớn mạnh của quân đội Trung Quốc. 
Philippines mua 12 chiến đấu cơ FA-50 mới của Hàn Quốc. 
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã mua 6 tàu ngầm Kilo của Nga, máy bay tuần tra bờ biển của Cananda và các tàu hộ vệ Sigma của Hà Lan. Phía Philippines cũng tuyên bố kế hoạch tăng cường ngân sách chi tiêu quốc phòng và mua thêm 3 xuồng cano không còn được sử dụng lớp Hamilton từ Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ cùng 12 chiến đấu cơ FA-50 hoàn toàn mới của Hàn Quốc. 
Ngoài ra, cả Việt Nam và Philippines cũng tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc phòng với Mỹ. Mới đây, Manila đã ký thêm một Bản hiệp ước Hợp tác Quốc phòng tăng cường với Washington cũng như mở rộng sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Philippines. 
Trên thực tế, cả Việt Nam và Philippines đều không mong muốn chiến tranh với Trung Quốc mà chỉ tập trung vào kiềm chế nỗ lực bành trướng chủ quyền của Bắc Kinh và kéo dài thời gian để nâng cao năng lực quốc gia, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc cũng như lôi kéo sự can thiệp của cộng đồng quốc tế. 
Theo đó, Manila đã nộp đơn kiện yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông lên Tòa án Hình sự quốc tế. Dự kiến, một phán quyết về vụ kiện này sẽ được đưa ra vào cuối năm 2015. Ngoài ra, Việt Nam và Philippines cũng đang hối thúc ASEAN đưa sức nặng địa chính trị vào các cuộc đàm với Bắc Kinh để xúc tiến xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông. 

Toan tính sai, chiến tranh bùng nổ

Tác giả Denmark nhận định điều nguy hiểm nhất hiện nay là cách Bắc Kinh leo thang căng thẳng trong khu vực. Bởi Trung Quốc coi leo thang căng thẳng là công cụ hữu hiệu để giành quyền kiểm soát và dự báo phản ứng của các nước có tranh chấp. 
Tuy nhiên, các nhà chiến lược và chính sách tại Trung Quốc lại không hề ý thức được bài học kinh nghiệm từ Mỹ và Nga trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh rằng leo thang căng thẳng là một công cụ vô cùng nguy hiểm và phản ứng của các bên liên quan là không thể lường trước được do đó căng thẳng sẽ nhanh chóng vượt qua ngoài tầm kiểm soát. 
Điển hình là Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào trước việc lực lượng chức năng Philippines hôm 6/5 bắt giữ và truy tố 9 ngư dân Trung Quốc về tội đánh bắt trộm rùa quý hiếm tại bãi Trăng Khuyết nằm cách đảo Palawan 111 km về phía tây.  
Tàu vận tải hải quân BRP Sierra Madre của Philippines tại bãi Cỏ Mây. 
Điều chắc chắn là Bắc Kinh sẽ có động thái đáp trả và tìm cách trừng phạt Manila cũng như củng cố các tuyên bố chủ quyền. Phản ứng "ăn miếng trả miếng" của Trung Quốc có thể sẽ là bắt giữ các ngư dân Philippines hoạt động tại vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. 
Trước đó, Trung Quốc đã chặn không cho Manila tiếp viện lương thực và nhu yếu phẩm cho các binh sĩ Philippines sống trên tàu vận tải hải quân BRP Sierra Madre tại bãi Cỏ Mây, nhằm buộc họ rút quân về nước. Hành động của Bắc Kinh đẩy nguy cơ nổ ra các vụ đấu súng, tấn công hay đánh đắm tàu lên cao hơn bao giờ hết và nguy cơ thương vong về người. 
Nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực chống lại Philippines, dù Bắc Kinh tìm cách ngụy biện hành động này là phòng thủ hay phản ứng, Mỹ cũng sẽ bị lôi kéo vào cuộc khủng hoảng này, ít nhất là thông qua biện pháp ngoại giao và thậm chí là quân sự. 
Mỹ dường như sẽ không lùi bước trước tình huống trên, kể cả hiện nay mức độ sẵn sàng can thiệp ở nước ngoài của đang bị đặt nghi vẫn sau khi Washington quyết định không can thiệp chuyện Nga đưa quân vào Ukraine và chính quyền của Tổng thống Syria Assad vượt qua "giới hạn đỏ" vũ khí hóa học được Tổng thống Obama đưa ra. Trong khi vừa cố gắng làm giảm leo thang căng thẳng và loại bỏ việc sử dụng vũ lực, Washington chắc chắn sẽ thể hiện ý chí và quyết tâm trong việc ngăn chặn tình trạng đối đầu và trấn an các đồng minh châu Á. 
Mặc dù, Mỹ không phải là một bên tham gia các tranh chấp trên Biển Đông, song Washington vẫn mong muốn các bên giải quyết mâu thuẫn theo phương pháp hòa bình. Bởi một cuộc xung đột trên Biển Đông sẽ là thảm họa đối với hoạt động thương mại trong khu vực và cả mối quan hệ Trung - Mỹ. Đây là 2 yếu tố vô cùng quan trọng với Washington. 
Do đó, Mỹ sẽ tăng cường khả năng kiềm chế Bắc Kinh thông qua việc mở rộng mối quan hệ quân sự, cơ chế hỗ trợ đào tạo và tập trận chung với các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông. 
Ngoài ra, Washington cũng sẽ giữ vai trò trung gian cho các nước có tranh chấp trên Biển Đông nhằm tìm kiếm cơ hội hạ nhiệt căng thẳng và tiến tới lộ trình giải quyết mâu thuẫn một cách hòa bình. Trong đó, diễn đàn Đối thoại Kinh tế và Chiến lược sắp tới sẽ là nơi để Trung Quốc và Mỹ thẳng thắn đưa các vấn đề trên ra thảo luận cũng như tìm cách ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tiềm năng. 
Chuyên gia Denmark nhấn mạnh nếu các bên tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông không thể chuyển hóa tình hình căng thẳng và coi việc hạ nhiệt là một công cụ chiến lược hữu ích, việc bùng nổ một cuộc xung đột chỉ còn là vấn đề thời gian khi Bắc Kinh đưa ra những tính toán sai lầm và leo thang căng thẳng lên đỉnh điểm "giới hạn đỏ". 
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tạp chí The National Interest của Mỹ. Được thành lập năm 1985, tạp chí The National Interest không hề bị giới hạn nội dung mà tập trung khai thác sự khác biệt văn hóa xã hội, đổi mới công nghệ, lịch sử và tôn giáo tác động tới hành vi của các quốc gia.

SHARE THIS

Facebook Comment

0 nhận xét: