Khi mua xăng, người dân đã trực tiếp đóng một khoản phí cho nhà nước. Giờ cứ thu thêm phí bảo trì đường bộ nữa, đó là tận thu của dân...
Đại biểu Trương Thị Ánh, Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM đã đưa ra quan điểm của mình khi Quốc hội thảo luận về dự án Luật phí và lệ phí.
Đại biểu Ánh cho biết, từ các cuộc họp của HĐND TP.HCM trước đó, các đại biểu cũng bày tỏ nhiều băn khoăn về phí đường bộ với xe máy.
Theo vị đại biểu này, để vận hành được xe máy, người ta phải đổ xăng mà khi mua xăng, người dân đã trực tiếp đóng một khoản phí cho nhà nước.
"Giờ cứ thu thêm nữa, đó là tận thu của dân”, đại biểu Trương Thị Ánh bày tỏ.
Đang có nhiều ý kiến cho rằng cần loại bỏ việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy
Đang có nhiều ý kiến cho rằng cần loại bỏ việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy
Cũng không đồng tình với việc quá nhiều loại phí đang đổ lên đầu người dân, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, đoàn TPHCM đề nghị Bộ Tài chính rà soát loại phí bảo trì đường bộ dành cho xe máy, nếu không phù hợp thực tiễn thì nên bỏ.
Lý giải về quan điểm này, bà Tâm kể lại nhiều người dân than với bà rằng họ mua một cái xe máy chỉ để chạy đi chợ, đón con. Và con đường họ đi ngay trong xóm, trong khu phố của mình: "Đường đó do chính họ và cư dân xung quanh tự cắt đất, tự bỏ tiền ra làm. Vậy nhưng họ phải đóng phí đường bộ cho cái xe máy. Quá vô lý!”.
Theo đó bà Tâm cho rằng, luật phải bao quát, phí và lệ phí cần được quy định mềm, giao quyền cho địa phương cân nhắc thu hoặc không thu, thu ở mức nào. Vì chỉ có địa phương mới nắm rõ được thực tế. Còn nếu không sẽ còn nhiều người dân phải đóng phí oan.
Chia sẻ với Đất Việt trước đề nghị của các đại biểu về việc bỏ phí bảo trì đường bộ đối với xe máy, ĐB Lê Đình Khanh, đoàn đại biểu Quốc hội Hải Dương cho rằng hiện vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau.
"Đúng là phí đường bộ chỉ nên thu 1 thứ rồi bỏ ra trả cho BOT để quy về một mối. Thực tế việc thu phí bảo trì đường bộ đúng là có điểm bất cập. Ví như có nhà nhiều xe máy nhưng chỉ đi 1 hoặc 2 cái bởi vì có con cái đi xa, xe để cả năm trời không đi đến.
Trong khi đó với xe máy có địa phương thu được, có địa phương lại không thu.Trong thâm tâm tôi cũng thấy rằng cần phải rà soát lại. Nên tập trung vào ô tô, những loại xe phá đường phải thu cao", ông Khanh nêu quan điểm.
Chia sẻ về kiến nghị của các đại biểu, ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng: phải rà soát lại, đánh giá tổng kết trên cơ sở thực tiễn đã triển khai.
"Chúng ta mới làm được 1-2 năm nói bỏ hay tiếp tục cũng khó. Việc hơn thiệt cho dân tới đâu, đầu tư hiệu quả đến mức nào cũng đều phải có đánh giá, tổng kết xem thu được bao nhiêu, hiệu quả thế nào để có điều chỉnh hợp lý đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
Nếu tiếp tục thì phải có giải trình để nhân dân thấy thuyết phục, đảm bảo sự đồng lòng của dân. Phải công khai minh bạch và có báo cáo để tiếp tục làm hay không làm tiếp", ông Nhã nói với Đất Việt.
Từ trước đó ông Võ Văn Luận, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM -từng cho biết, TPHCM không mặn mà với chủ trương của Chính phủ trong việc thu loại phí này, vì nhận thấy người dân đang chịu quá nhiều sức ép từ các khoản thu. Chính vì lý do đó mà mấy năm qua TPHCM cứ nấn ná mãi.
Tuy nhiên, theo ông Luận, 63 tỉnh, thành trong cả nước đã triển khai thực hiện thì TPHCM không thể không thu.
Tại Hà Nội cũng trong tình trạng triển khai không hiệu quả việc thu phí và nhiều phản ứng của các đại biểu HĐND TP cho rằng thu phí xe máy là không hợp lý.
Nguồn: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/bo-phi-duong-bo-voi-xe-maynhieu-nguoi-da-dong-phi-oan-3270465/#slideshow
0 nhận xét: